Tác giả | Nguyễn Văn Hòa |
Số trang | 216 |
Tải về | Mega |
Điều khiển là một lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, của nền kinh tế quốc dân, của khoa học kĩ thuật, của nền đại công nghiệp v.v.. Bất cứ ở vị trí nào, bất cứ làm một công việc gì, mỗi người trong chúng ta đều tiếp cận với điều khiển. Nó là khâu quan trọng cuối quyết định sự thành bại trong mọi hoạt động của chúng ta.
Nền đại công nghiệp hiện nay càng ngày càng được nâng cao mức độ tự động hóa với mục đích nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giải phóng con người ra khỏi những vị trí làm việc độc hại v.v.. Để tiếp cận với nền đại công nghiệp có trình độ tự động hóa cao, mỗi chúng ta, ngoài những kiến thức cơ bản về chuyên môn của mình, cần phải trang bị một số kiến thức cơ bản về điều khiển tự động.
Cơ sở lý thuyết điều khiển tự động là phần nội dung cơ bản nhất của lí thuyết điều khiển tự động. Nó là một trong những môn học được giảng dạy cho hầu hết các lớp kĩ sư và kĩ sư thực hành không phải chuyên ngành về điều khiển tự động trong tất cả các trường đại học kĩ thuật. Để giúp cho học sinh các đối tượng trên có tài liệu tham khảo, tác giả đã cố gắng viết ra cuốn sách này dựa trên kinh nghiệm giảng dạy của mình và tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp đã và đang giảng dạy môn lí thuyết điều khiển tự động và ý kiến của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực điều khiển tự động. Quyển sách này cũng có thể có ích cho các đối tượng bắt đầu tiếp cận với lĩnh vực điều khiển tự động.
Sách được chia làm ba phần. Những phần có nội dung lớn được chia ra thành chương. Bố cục của từng chương bao gồm phần lí thuyết cơ bản và phần bài tập giải mẫu để giúp bạn đọc củng cố lại những kiến thức lí thuyết vừa nghiên cứu.
Phần mở đầu. Khái quát chung về điều khiển.
Mục đích của phần này là nêu lên những khái niệm cơ bản về điều khiển, giới thiệu một cách phân loại hệ thống điều chỉnh tự động và xác định vai trò của cơ sở lí thuyết điều khiển tự động. Phần này giúp các bạn đọc có những khái niệm cơ bản về các hệ thống điều chỉnh tự động.
Phần một. Hệ thống điều chỉnh tuyến tính liên tục.
Phần này đưa ra những nội dung cơ bản của lí thuyết hệ tuyến tính liên tục. Đây là phần cơ bản nhất của cơ sở lí thuyết điều khiển tự động. Nó là chìa khóa giúp chúng ta xâm nhập vào môi trường điều khiển. Phần này được chia làm ba chương.
- Chương I. Mô tả toán học hệ thống tuyến tính liên tục.
Mục đích của chương này là trang bị cho bạn đọc công cụ để xây dựng mô hình toán học hệ thống điều chỉnh tự động mà ta cần tiếp cận hoặc cần phải xây dựng. Đây chính là điểm xuất phát để chúng ta xâm nhập sâu vào hệ thống điều chỉnh tự động, là cơ sở để chúng ta có thể phân tích, mổ xẻ hệ thống thực bằng các công cụ lí thuyết.
- Chương II. Khảo sát tính ổn định của hệ thống điều chỉnh tự động.
Tính ổn định là chỉ tiêu chất lượng đầu tiên của hệ thống điều chỉnh tự động. Nó là điều kiện cần thiết để hệ thống có thể sử dụng. Chương này trang bị cho bạn đọc những lí thuyết cơ bản để phân tích khả năng ổn định của hệ thống thông qua mô hình toán học của nó.
- Chương III. Đánh giá chất lượng quá trình quá độ.
Chất lượng của quá trình quá độ điều chỉnh là điều kiện quyết định đánh giá khả năng ứng dụng của hệ thống. Những lí thuyết cơ bản về đánh giá và nâng cao chất lượng của quá trình quá độ điều chỉnh được giới thiệu trong chương này.
Phần hai. Hệ thống điều chỉnh xung tuyến tính.
Nội dung của phần này được trình bày trong hai chương.
- Chương I. Tổng quan về hệ thống điều khiển xung.
Chương này nêu lên những đặc trưng cơ bản của hệ thống rời rạc, các tính chất của tín hiệu rời rạc và cơ sở toán học để nghiên cứu hệ thống điều khiển xung.
- Chương II. Lí thuyết hệ thống điều khiển xung
Nội dung của chương là trình bày những lí thuyết cơ bản mô tả động học hệ thống điều khiển xung, các phương pháp đánh giá tính ổn định của hệ thống điều khiển xung và chất lượng của quá trình quá độ.
Phần phụ lục giới thiệu tổng quát về ngôn ngữ mô phngr TUTSIM. Ngôn ngữ này hiện nay đang được sử dụng khá rộng rãi ở Việt Nam. Các đồ thị trong quyển sách này đã được vẽ ra từ kết quả mô phỏng bằng ngôn ngữ TUTSIM.
Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc và đồng nghiệp để nội dung và bố cục của sách được tốt hơn. Thư góp ý xin gửi về bộ môn Điều khiển tự động, khoa Năng lượng, Trường Đại học bách khoa Hà Nội và Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, 70 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Tác giả xin chân thành cảm ơn.
No comments:
Post a Comment